Khách Du Lịch Quốc Tế Đến Việt Nam Năm 2023

Khách Du Lịch Quốc Tế Đến Việt Nam Năm 2023

Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Tuy vậy, số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

LƯỢNG KHÁCH ĐẾN CÓ DẤU HIỆU PHỤC HỒI

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng khá cao (với tốc độ hai chữ số) trước năm 2018, trong đó năm 2018 bình quân 100 dân đạt 16,2 lượt khách; đạt đỉnh vào năm 2019 (bình quân trên 100 dân số đạt gần 18,7 lượt khách). Tuy chỉ đứng thứ 52/117 nước và vùng lãnh thổ, nhưng mật độ bình quân 100 dân thì Việt Nam có thứ tự cao hơn một số nước.

Song do tác động của đại dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2020 nên năm này đã giảm sâu và năm 2021 khi đại dịch bùng phát đã giảm rất sâu. Năm 2022 đã tăng rất cao so với 2 năm trước, nhưng vẫn còn thấp xa trước đại dịch (hình 1).

Năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam tuy chưa bằng với trước đại dịch và còn cách khá xa so với kỷ lục đã đạt được trong năm 2019, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi, lượng khách gấp trên 3,4 lần năm trước, hay tăng 8.941 nghìn lượt người. Bình quân 100 dân có 12,6 lượt khách, cao nhất kể từ năm 2020. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam  có xu hướng tăng theo các tháng. Nếu từ giữa năm 2023 về trước ở mức dưới 1 triệu lượt người, thì từ tháng 7/2023 đã đạt trên 1 triệu lượt người (hình 2).

Theo phương tiện đến: lượng khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 86,9%, tăng 234,1%; bằng đường biển chiếm tỷ trọng nhỏ (10%), nhưng lại tăng lớn nhất (gấp trên 4 lần), chủ yếu do khách đến từ Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này thay đổi chiến lược phòng chống đại dịch;  bằng đường bộ chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (12,1%) và tăng 390,5% (hình 3).

Lượng khách tăng cao từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trong đó 10 nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất  (hình 4).

Chỉ với 10 nước và vùng lãnh thổ này đã có 9575,6 nghìn lượt người, chiếm 76% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Điều đó chứng tỏ việc tăng, giảm lượng khách đến từ các nước và vùng lãnh thổ này có vai trò quan trọng đối với quy mô và tốc độ tăng giảm của tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Đây là những nước và vùng lãnh thổ chủ yếu ở châu Á, (chỉ có 2 nước ở châu Mỹ, châu Úc), những nước có nhiều vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, những thị trường buôn bán lớn của Việt Nam, những nền kinh tế có hệ số chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương so với tỷ giá hối đoái thấp hơn của Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với việc tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ trên, vẫn cần phải mở rộng ra các nước và vùng lãnh thổ khác.

Mức chi tiêu bình quân một lượt khách ước tính năm 2023 đạt 726,7 USD, tuy thấp hơn mức của các năm trước (2020 là 842,3 USD, 2021 là 947,4 USD, 2022 là 1048,3 USD), nhưng đã cao hơn mức của các năm từ 2017 đến 2019 (2017 đạt 695,7 USD, 2018 đạt 650,4 USD, 2019 đạt 656,9 USD). Tuy nhiên, Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017 đạt 1141,5 USD, 2019 đạt 1151,7 USD - có sự chênh lệch khá xa so với cách tính chia kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch cho số lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Từ số liệu mức chi tiêu bình quân một lượt khách theo quốc tịch có thể tính ra tổng số USD thu được của lượng khách quốc tế theo quốc tịch. Theo tính toán sơ bộ, có khoảng 18 quốc tịch đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 8 quốc tịch đạt trên 500 triệu USD (hình 5). Đây là các quốc tịch có lượng khách quốc tế Việt Nam đông, vừa có số chi tiêu bình quân một lượt khách cao. Chỉ với 8 nước và vùng lãnh thổ này Việt Nam đã thu được gần 12,4 tỷ USD - một con số không nhỏ.

Xuất khẩu dịch vụ du lịch đã đóng góp lớn vào xuất khẩu dịch vụ (hình 6). Xuất khẩu dịch vụ du lịch trong nhiều năm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu dịch vụ; có một số năm còn lớn hơn tổng các khoản dịch vụ còn lại. Tuy nhiên, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực mới phát triển, nên tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ cao và sẽ có xu hướng giảm là bình thường. Đặc biệt, năm 2020 đã giảm sâu, năm 2021 còn giảm sâu hơn nữa, thậm chí lần đầu tiên đã nhập siêu. Nguyên nhân chủ yếu do đại dịch Covid-19 năm 2022, 2023 có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn cách xa so với trước đại dịch, do Trung Quốc mới mở cửa trở lại.

Cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam cũng có sự thay đổi so với nững năm trước đây. Những khoản có tỷ trọng tăng là thuê phòng, ăn uống, đi lại, tham quan. Nguyên nhân do nhu cầu thuê phòng cao cấp hơn, ăn uống đa dạng hơn, chất lượng hơn, việc đi lại khách cũng có lựa chọn hơn, đường dài hơn. Những khoản có tỷ trọng giảm là mua hàng hóa, chi tiêu khác.

Lượng khách quốc tế năm 2023 vượt xa so với mục tiêu đề ra (8 triệu lượt người). Nguyên nhân có thể có từ hai phía: (i) các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô có thể còn quá thận trọng, chưa lường được sự bật dậy sau 3 năm ở mức thấp (2020, 2021, 2022); (ii) các nhà quản lý chỉ đạo điều hành đã tranh thủ các điều kiện thuận lợi từ trong nước và thế giới mang lại...

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024:  Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý IV và cả năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12 nhận định, “hoạt động du lịch năm 2023 diễn ra sôi động”.

Khách quốc tế đến lập kỷ lục mới

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.

Tuy vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá, số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,3 lần năm trước; bằng đường bộ đạt 1,5 triệu lượt người, chiếm 12,1% và gấp 4 lần; bằng đường biển đạt 126,1 nghìn lượt người, chiếm 1% và gấp 40,2 lần.

Châu Á là khu vực đóng góp lượng khách lớn nhất tới Việt Nam với hơn 9,78 triệu người, gấp 3,8 lần năm trước. Khách đến từ châu Âu đạt 1,459 triệu người, gấp 2,9 lần năm ngoái. Khách đến từ châu Mỹ đạt 903,8 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần; khách đến từ châu Đại dương đạt 428,1 nghìn lượt người, gấp 2,7 lần; khách đến từ châu Phi đạt 30,1 nghìn lượt người, gấp 2,6 lần.

10 thị trường khách hàng đầu của du lịch Việt Nam 2023 gồm: Hàn Quốc là thị trường khách số 1 của du lịch Việt Nam khi số lượng khách tăng trưởng đều theo từng tháng và đạt gần 3,6 triệu lượt khách cả năm 2023. Trung Quốc là thị trường khách thứ 2 của du lịch Việt với gần 1,75 triệu lượt khách.

Các thị trường khách lớn khác gồm Đài Loan (Trung Quốc) (851.124 lượt khách), Mỹ (717.073 lượt khách), Nhật Bản (589.522 lượt khách), Thái Lan (489.174 lượt khách), Malaysia (470.105 lượt khách), Campuchia (402.062 lượt khách), Ấn Độ (392.141 lượt khách), Australia (390.087 lượt khách).

Trong khi đó, lượng người Việt Nam đi ra nước ngoài năm nay cũng tăng ấn tượng. Cụ thể, số người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 12/2023 là 352,1 nghìn lượt, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm trước.

Thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ước tính, lượng khách du lịch nội địa cả năm 2023 ước đạt 108 triệu lượt người, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng và tăng 52,5% so với năm trước.

“Đó là do năm 2023, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch”, báo cáo của Tổng cục Thống kê đánh giá.

Doanh thu năm 2023 của một số địa phương so năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 133,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%...

Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch đã được thực hiện bài bản, quy củ hơn trên toàn quốc. Một số địa phương đã hoàn thành sớm chỉ tiêu đón khách du lịch cả năm 2023.

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam năm 2023.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019). Trong đó, khách quốc tế đạt 4 triệu lượt (tăng 33,3% so với kế hoạch); khách nội địa đạt 20 triệu lượt (tăng 5% so với kế hoạch). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019).

Năm 2023, Năm Du lịch quốc gia được tổ chức tại Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh” đã thành công tốt đẹp với 208 sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế; 11 hoạt động cấp quốc gia; 164 sự kiện, hoạt động do 41 tỉnh, thành phố tổ chức hưởng ứng khắp cả nước. Lần đầu tiên, Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so năm 2022.

Bình Thuận cũng lọt vào danh sách 9 địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước, góp phần đưa du lịch phục hồi, phát triển, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Cũng trong năm 2023, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định trên trên bản đồ du lịch thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.

Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards)-giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành du lịch, Việt Nam vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” lần thứ 4; nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.

Đến nay, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022), với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn. Cả nước có 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ; 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 90 cơ sở đào tạo được ủy quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú, cả nước hiện có khoảng 38.000 cơ sở với hơn 780.000 buồng.